Cẩm nang du lịch Hà Giang: đi lại, ăn uống, thăm quan
Trong bài viết này, Dream Travel sẽ chia sẻ với bạn những thông tin về chuyến du lịch Hà Giang bạn cần biết trước khi đi. Cùng Dream Travel tìm hiểu, khám phá Hà Giang theo một góc rất riêng nhé.
1.Du lịch Hà Giang đi bằng phương tiện gì?
Bạn có thể lựa chọn đi tự túc hoặc đăng ký tour trọn gói của các công ty lữ hành:
Du lịch Hà Giang tự túc:
Từ Hà Nội, bạn nên đi xe khách đêm Hà Nội – Hà Giang xuất phát từ bến xe Mỹ Đình lúc 9h tối và tới 5h sáng sẽ đến Hà Giang (xe giường nằm cao cấp, liên hệ đặt chỗ qua điện thoại).
Từ Sài Gòn, theo giờ xe ô tô chạy ở Hà Nội để đặt vé máy bay từ Sài Gòn ra Hà Nội (thời gian bay mất khoảng 2h). Điểm đón khách của nhà xe cách sân bay Nội Bài hơn 1km nằm ngay ở đoạn rẽ ở QL2 – Hà Nội đi Hà Giang.
Sau khi đến Hà Giang, bắt xe khách nội tỉnh để di chuyển giữa các địa danh hoặc thuê xe máy để di chuyển, tham quan.
Du lịch Hà Giang trọn gói của các công ty lữ hành:
+Giá tour: 2.200.000 VNĐ/Khách
+Tour khởi hành vào thứ 6 hàng tuần
+Thời gian: 3 ngày 2 đêm
+Điểm đón: 06h0 - 06h30 tại Nhà Hát Lớn Hà Nội
+Phương tiện: Ô tô 29 chỗ
Lịch trình tour:
+ Ngày 1: Hà Nội - Km số 0 Hà Giang - Núi đôi Quản Bạ - Yên Minh (Ăn trưa, tối)
+ Ngày 2: Yên Minh - Phố Cáo - Sủng Là "Chuyện của Pao" - Dinh thự vua Mèo - Chinh phục con đường Hạnh Phúc - Đèo Mã Pì Lèng- Cực Bắc của Tổ Quốc-Cột cờ Lũng Cú - Phố cổ Đồng Văn (Ăn sáng, trưa, tối)
+ Ngày 3: Đồng Văn - Hà Nội (Ăn sáng, trưa)
Các bạn có thể tham khảo tour du lịch Hà Giang 3 ngày 2 đêm, khởi hành thứ 6 hàng tuần tại đây
2/ Du lịch Hà Giang tham quan gì?
Hà Giang vẫn được biết đến với mùa hoa tam giác mạch hồng rực cao nguyên đá, nhưng phải ai đã đi mới biết – Hà Giang mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng đáng để chinh phục. Bởi lẽ, Hà Giang đâu chỉ có hoa tam giác mạch. Hà Giang còn có những hùng quan, mà nổi bật trong đó là các điểm sau đây:
-Cao nguyên đá Đồng Văn - "Huyền bí một màu đá xám"
Điểm du lịch thứ nhất - đặc biệt nhất trong các điểm du lịch ở Hà Giang là Cao nguyên đá Đồng Văn, đã tạo nên khung cảnh đá xám, nơi người dân “sống trong đá, chết vùi trong đá” cực kỳ đặc biệt cho Hà Giang.
Hà Giang, mảnh đất xa xôi “chim bay hai lần gãy cánh” mới đến nơi, án ngữ nơi cực Bắc của Tổ quốc. Hà Giang cũng lại là một vùng đất đá cổ xưa vào bậc nhất của Trái Đất, để Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận vào tháng 12 năm 2010.
-Dinh họ Vương - "Viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên"
Điểm du lịch thứ hai là viên ngọc xanh giữa lòng cao nguyên đá – Dinh thự họ Vương. Dinh thự xinh đẹp hình chữ Vương được bao quanh bởi hàng cây sa mộc, vẫn được bảo tồn một cách nguyên vẹn sau bao thăng trầm lịch sử, mưa gió dập vùi, mang theo nó là một câu chuyện lịch sử vô cùng hấp dẫn.
Dinh thự họ Vương được khởi công năm 1019 và hoàn thành 10 năm sau đó với tổng kinh phí lên đến 150.000 đồng bạc trắng (tương đương 150 tỷ đồng Việt Nam bây giờ). Mỏm đồi hình mai rùa quý hiếm cùng những dãy sa mộc vươn cao mạnh mẽ đã mọc lên một ngôi nhà hình chữ “Vương” sừng sững như in dấu giữa trời xanh.
-Cột cờ Lũng Cú - “Nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”
Điểm du lịch thứ ba là Cột cờ Lũng Cú – “nơi bắt đầu nét vẽ đầu tiên của bản đồ Tổ quốc”. Nói cách khác, nơi đây chính là điểm du lịch ở Hà Giang nơi mà bất kỳ ai là con lạc cháu hồng đều muốn được chinh phục một lần điểm cực Bắc thiêng liêng.
Quãng đường 1,5 cây số lên cột cờ Lũng Cú, vượt qua 389 bậc thang đá và leo thêm 140 bậc thang xoắn ốc ngay trong lòng cột cờ, ta sẽ đặt chân được tới đỉnh cột cờ Lũng Cú, Hà Giang – điểm cực bắc của Tổ quốc. Nơi có lá cờ đỏ sao vàng có diện tích 54m2, ẩn dụ của 54 dân tộc anh em, phần phật tung bay trong gió.
-Con đường Hạnh phúc - "50 năm con đường của máu và hoa"
Điểm du lịch thứ tư là Con đường Hạnh phúc – con đường của máu và hoa. Con đường dài khoảng 200 km này được hàng vạn thanh niên xung phong thuộc 16 dân tộc của 8 tỉnh miền Bắc Việt Nam làm trong 6 năm (1959 - 1965) với trên 2 triệu lượt ngày công lao động, trong đó riêng đoạn đèo vượt Mã Pì Lèng được các thanh niên trong đội cảm tử treo mình trên vách núi lấn từng centimet để làm trong 11 tháng. Mã Pì Lèng được du khách gọi một cách không chính thống là một trong “tứ đại đỉnh đèo” tại vùng núi phía Bắc Việt Nam, bên cạnh Đèo Ô Quy Hồ, Đèo Khau Phạ và Đèo Pha Đin.
Con đường Hạnh phúc là cầu nối mang lại ánh sáng cho rẻo cao, không chỉ nhuốm công sức mà cả máu và mạng sống của bao thanh niên xung phong một thời. Năm nay cũng là kỷ niệm 50 năm ngày hoàn thành Con đường Hạnh phúc Hà Giang – Đồng Văn.
Đèo Mã Pì Lèng - “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ”
Chỉ là một chút ví von của tác giả từ câu “Bất đáo trường thành phi hảo hán” (Chưa đến Vạn Lý trường thành chưa phải là hảo hán) thì với cảnh quan hùng vĩ mang tầm đệ nhất hùng quan, những cung đường hiểm trở có một không hai như đèo Mã Pì Lèng thì “Bất đáo Pì Lèng phi phượt thủ” (Chưa đến Pì Lèng chưa phải là phượt thủ bậc thầy).
Mã Pì Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ “Sống mũi ngựa” theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở, hoặc đỉnh núi dựng đứng như sống mũi con ngựa. Tuy nhiên, theo một số người Mông bản địa thì tên đúng của đèo là Máo Pì Lèng, nghĩa là “sống mũi mèo”.
Phố cổ Đồng Văn - "Nét kinh kỳ giữa lòng cao nguyên đá"
Thị trấn Đồng Văn nằm lọt thỏm giữa thung lũng với bốn bề núi đá bao bọc. Khu phố cổ có vẻn vẹn 40 nóc nhà, nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Buổi sớm, bức tranh phố cổ là sự pha trộn đến tài tình hai tông màu: màu vàng rực của nắng và màu xám của những ngôi nhà cổ.
Núi Đôi Quản Bạ - “Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên”
Núi Đôi Quản Bạ có hình dáng tròn trịa, đầy quyến rũ, trông giống như bộ ngực căng tròn của nàng tiên đang say giấc nồng. Giữa những núi đá trùng điệp và ruộng bậc thang nổi lên hai trái núi có hình dáng, thế đứng ngồ ngộ khiến du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp kỳ vĩ của tạo hoá.
Làng văn hóa Lũng Cẩm - Bối cảnh trong phim “Chuyện của Pao”
Làng văn hóa du lịch Lũng Cẩm thu hút nhiều nhà nhiếp ảnh, nhà làm phim và là nơi khởi nguồn sáng tác cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Trong đó, điển hình, Làng Lũng Cẩm đã được chọn làm bối cảnh trong phim nhựa “Chuyện của Pao”, bộ phim này đã đạt giải thưởng Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Đặc biệt, ngôi nhà của Pao đã trở thành một trong các điểm du lịch ở Hà Giang mà bất cứ ai đến đây cũng không thể bỏ qua. Nếp nhà rêu phong, ngôi nhà vách gỗ đã nhuốm màu cổ kính, tuy mộc mạc, đơn sơ, nhưng lại có một sức hút lạ lùng. Ngôi nhà càng đẹp hơn khi mùa hoa đến, giữa sắc hoa lung linh đầy sức sống của sắc vàng hoa cải, sắc hồng hoa tam giác mạch, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hay màu hồng thơ mộng của mùa hoa đào. Tất cả hòa quyện vào nhau, đẹp tựa bức tranh sơn mài sắc màu độc đáo.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì - "Kỳ công lao động rực rỡ mùa vàng"
Không ai biết đồng bào các dân tộc ở Hoàng Su Phì mất bao nhiêu lâu để biến những ngọn núi đất thành những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Chỉ biết rằng, ruộng bậc thang đã được đồng bào khai thác từ hàng trăm năm nay, thay thế cho việc làm nương làm rẫy, hết đời này qua đời khác, con người nơi đây lấy ruộng bậc thang làm kế sinh nhai. Ruộng bậc thang cũng đánh dấu quá trình định canh định cư, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho các hộ gia đình.
Thung lũng Sủng Là - “Nơi đá nở hoa”
Từ hướng Yên Minh lên thị trấn Đồng Văn, đến ngã ba Phó Bảng, nơi con đèo xinh đẹp ôm trọn một thung lũng xanh, đó chính là Thung lũng Sủng Là – “đóa hoa hồng” của cao nguyên đá.
Sủng Là như một bức tranh thiên nhiên thanh bình, xinh đẹp; nằm giữa những dãy núi đá tai mèo nhấp nhô, thâm sẫm một màu, những ngôi nhà vững chãi với mái đã phai màu thời gian.
Người Mông ở Sủng Là trồng tam giác mạch và hoa cải trên đồi đất cao; trồng ngô, lúa ở vùng đất bằng nơi đáy thung lũng. Màu xanh non của ngô, lúa chen lẫn với màu hồng của hoa tam giác mạch; màu vàng của nắng; cùng màu xanh đậm của rừng sa-mu sừng sững giữa đất trời.
Làng dệt thổ cẩm Lùng Tám - Báu vật của người Mông
Từ cổng trời nhìn xuống, Lùng Tám là một xã nằm nép mình giữa những đỉnh núi đá mù sương, bốn mùa mây phủ. Đây là nơi cư trú của đồng bào dân tộc Mông nổi tiếng với nghề dệt lanh, nhuộm chàm và vẽ sáp ong, cũng là nơi mà: “Chỉ có mặc vải lanh, mình mới không bị lạc tổ tiên…”
“Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám. Khắp vùng cao Hà Giang, chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm; nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được”, trích lời ông Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám.
Tham gia các hoạt động tại Lễ hội hoa tam giác mạch
Những năm gần đây, cứ mùa hoa tam giác mạch đến tỉnh Hà Giang lại tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch. Lễ hội diễn ra làm không khí làng mạc ở đây rộn ràng náo nhiệt hơn. Du khách đến với Hà Giang vào dịp lễ hội hòa vào không khí vui tươi ấy và gần gũi hơn với các phong tục tập quán của người dân vùng cao. Năm 2020, lễ hội Hoa Tam giác mạch ở Hà Giang được tổ chức lần thứ VI.
3/ Du lịch Hà Giang ăn gì?
Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn
Bánh cuốn phố cổ Đồng Văn là một món ăn độc đáo, khác xa so với những món đặc sản khác ở Hà Giang. Đây là món ăn mà du khách thường lựa chọn cho bữa sáng của mình khi tới Hà Giang du lịch. Một “món lạnh” được ăn cùng chén nước lèo ninh xương nóng hổi, bạn sẽ cảm thấy ấm bụng hơn trong thời tiết se se lạnh ở vùng cao nguyên đá này.
Thắng dền
Thắng dền như món quà vặt ăn chơi của người Hà Giang và được ưa chuộng nhất vào mùa đông. Món ăn Hà Giang này thoạt nhìn giống bánh trôi tàu ở Hà Nội nhưng lại có cách chế biến và hương vị hoàn toàn khác biệt.
Thịt gác bếp
Thịt trâu, lợn gác bếp thường được làm từ những thớ thịt thái dọc dài, từng miếng thịt trâu, thịt lợn được xiên vào những que to rồi treo lên gác bếp. Trước khi mang gác bếp, thịt được tẩm các gia vị như ớt, gừng, đặc biệt là mắc khén. Thịt gác bếp ăn ngon mà lại không có chất bảo quản, là món ăn khoái khẩu của du khách mỗi khi có dịp đến Hà Giang.
Phở chua Hà Giang
Phở chua Hà Giang thực chất được lan sang Hà Giang từ Trung Quốc, mà người ta vẫn hay gọi là “Lường Pàn” nghĩa là “Phở mát”. Món ăn này có vị chua chua, lạ miệng ăn rất mát nên được nhiều người yêu thích vào mùa hè.
4/ Du lịch Hà Giang mua gì về làm Quà?
Mật ong bạc hà
Đây là đặc sản mà bất kỳ ai đến với Hà Giang cũng tìm mua bằng được. Nhưng không phải ai cũng có thể sở hữu một chai bởi cách chế biến đặc biệt và số lượng không nhiều. Mật ong bạc hà có vị ngọt êm dịu, thơm ngon của mật ong hòa quyện trong mùi hương thanh mát đặc biệt của bạc hà, tạo cho bạn cảm giác thư thái nhất khi thưởng thức nó. Có lẽ bởi hương vị đặc biệt của sương sớm, núi rừng, cái nắng cái gió Hà Giang kết hợp cùng sự bổ dưỡng của mật ong đã khiến nó trở thành một đặc sản làm say lòng bất cứ ai đến với vùng đất này.
Bánh tam giác mạch
Hà Giang bây giờ có lẽ giống như một cô gái trẻ đang khoác trên mình một chiếc áo hồng phớt tươi non của những cánh hoa tam giác mạch. Và chẳng có lý do gì nếu bạn đến đây để thưởng hoa mà lại không mang về một chút gì đó từ loài cây vừa có giá trị kinh tế, vừa mang giá trị thẩm mỹ này. Hạt tam giác mạch sau khi thu hoạch được phơi khô, có thể xay bột làm bánh. Bánh mềm, xốp, có vị ngọt bùi và là thức quà đặc biệt mà du khách nên thưởng thức khi tới cao nguyên đá Hà Giang.
Gạo già Dui Xín Mần
Từ lâu đã là một đặc sản của vùng Xín Mần – Hà Giang. Cơm từ loại gạo này có mùi thơm đặc trưng, rất dẻo và ngọt, khác hẳn các loại gạo khác. Gạo Già Dui hiện trở thành một thương hiệu, đặc sản của vùng đất miền phía Bắc hùng vĩ.
Chè Shan Tuyết
Chè Shan Tuyết được trồng ở khắp các huyện của Hà Giang, nhiều nơi có cây cổ thụ cao tầm 300 – 1000m. Ai đã từng thưởng thức chè Shan Tuyết Hà Giang thì chắc hẳn khó có thể quên được hương vị thơm ngon của chúng. Loại chè này sạch, khi chăm sóc, người dân sử dụng biện pháp tự nhiên nên không hề có những hóa chất độc hại. Và chè Shan tuyết được thu hoạch 4 vụ trong năm nên tới Hà Giang, du khách đến Hà Giang vào thời điểm nào cũng có thể thưởng thức hương vị thơm ngon của trà Shan tuyết.
Rượu ngô
Mỗi tỉnh thuộc khu vực miền núi dường như đều có riêng cho mình loại rượu chế biến theo cách đặc trưng. Rượu ngô Thanh Vân của bà con dân tộc Mông là một men say như thế. Nguyên liệu nấu rượu là ngô nương thường nhưng nước nguồn và thứ men làm từ 36 loại lá thuốc đã cho ra sản phẩm nổi tiếng của huyện vùng cao Quản Bạ này. Tiết trời vùng cao giá lạnh, người lấp trong sương mà được tấp vào quán tránh rét nhấp môi chén rượu ngô thì ấm lòng biết mấy.
6. Một số lưu ý khác khi du lịch Hà Giang?
- Nếu đi phượt bằng xe máy thì chú ý mang theo đầy đủ giấy tờ xe. Xe phải đảm bảo các phương tiện an toàn như: đèn pha, phản quang, phanh…
- Du lịch Hà Giang vào bất kỳ mùa nào nên mang theo quần áo ấm vì khí hậu ở đây khá lạnh và nhớ mang theo cả một túi thuốc dự phòng và lựa chọn loại trang phục thoải mái, gọn gàng, phù hợp với điều kiện địa hình vùng núi.
- Mỗi khi đến biên giới, cần vào làm việc với biên phòng nơi đây để có sự chỉ dẫn và giúp đỡ tốt nhất.
- Tránh những tò mò quá mức đối với người dân tộc địa phương.
- Nếu có điều kiện bạn nhớ mang bánh kẹo, sách vở, đồ dùng học tập chia cho trẻ em vùng cao nhé.
Trên đây là cẩm nang du lịch Hà Giang mà Dream Travel gợi ý cho bạn, hãy đến Hà Giang để thưởng thức trọn vẹn từ cảnh đẹp, đến các món ẩm thực đặc sắc nơi núi rừng các bạn nhé!